Trang chủ > Phim mới

B1932. Farewell My Concubine - BÁ VƯƠNG BIỆT CƠ 2D 25G (Dolby True HD)

Mã phim: B1932
Đạo diễn: Kaige Chen
Diễn viên: Leslie Cheung, Fengyi Zhang, Li Gong
Kịch bản:
Size: 25 GB
Ngôn ngữ: Chinese
Phụ đề: Chinese - Vietnamese

Bá Vương biệt Cơ – Kiệt tác điện ảnh Hoa Ngữ

 

 

IMDB:8.1/10

 

 

“Ta đã gây ra cho nàng bao nhiêu nước mắt…” lời hát thống thiết của Hạng Vũ dành cho nàng Ngu Cơ của mình vô tình trở thành bi kịch tình yêu điển hình của bao nhiêu đôi tình nhân. Và có lẽ cả muôn đời sau, điều này cũng sẽ không cũ đi bởi bản chất của tình yêu là đau khổ. Vì đớn đau đều sinh ra từ hạnh phúc…

 

Cách đây hơn 20 năm, Bá Vương biệt Cơ là phim Hoa ngữ đầu tiên đoạt giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Canne. Cuối thập niên 1980, nhà văn nổi tiếng Hồng Kông Lý Bích Hoa cho ra mắt quyển tiểu thuyết Bá Vương biệt Cơ với đề tài chính là vở kinh kịch Bá Vương biệt Cơ.

 

 

HỒNG KÔNG HỢP TÁC LÀM PHIM VỚI TRUNG QUỐC, ĐÀI LOAN

 

Nhà sản xuất Từ Phong ở Công ty Ảnh nghiệp Thang Thần, Đài Loan muốn đưa cuốn tiểu thuyết này lên màn ảnh. Từ Phong đề nghị Lý Bích Hoa chuyển thể thành kịch bản điện ảnh. Với tầm vóc sử thi đồ sộ của bộ phim, bà muốn phim này phải được quay ở Trung Quốc với chính đạo diễn của Đại Lục.

 

Từ Phong sang Trung Quốc mời Trần Khải Ca, đạo diễn nổi tiếng nhất Đại Lục lúc bấy giờ. Xưởng phim Bắc Kinh cũng đồng ý hợp tác sản xuất.Các vai diễn quan trọng trong Bá Vương biệt Cơ đều do những tên tuổi lớn nhất của Trung Quốc thời bấy giờ đảm nhận: Trương Phong Nghị vai Đoàn Tiểu Lâu, Củng Lợi vai Cúc Tiên, Cát Ưu vai Viên đại nhân… Riêng vai diễn linh hồn của bộ phim, Trình Điệp Y, nhà sản xuất muốn mời một tên tuổi quốc tế.

 

Ứng cử viên số một cho vai này là diễn viên Hồng Kông quốc tịch Mỹ, Tôn Long, người đóng vai chính trong bộ phim đoạt 9 giải Oscar, The Last Emperor. Song, Trần Khải Ca cho là Tôn Long hơi cứng, chưa đủ đẹp và mềm mại để vào vai Trình Điệp Y là người chuyên đóng vai đán (nam giả nữ) trong kinh kịch.

 

Bước ngoặt xảy đến khi một người bạn từ Hồng Kông gửi cho Trần Khải Ca cuốn tạp chí City Magazine có hình bìa của Trương Quốc Vinh tuyệt đẹp trong lớp hóa trang và phục trang vai đán của vở kinh kịch Kỳ song hội. Nhà văn Lý Bích Hoa cũng khẳng định, nếu Trương Quốc Vinh không đóng vai Trình Điệp Y thì bà cũng không cho phép làm phim Bá Vương biệt Cơ!

 

Trương Quốc Vinh trở thành diễn viên Hồng Kông đầu tiên xuất hiện trong phim của Trung Quốc. Dù ở giữa rừng sao của Đại Lục, nhưng diễn xuất của Trương Quốc Vinh đã che mờ tất cả.

 

 

 

PHIM HÀNG ĐẦU CỦA ĐIỆN ẢNH HOA NGỮ

 

Ngoài giải Cành cọ vàng, Bá Vương biệt Cơ còn được đề cử hai giải Oscar năm 1994 cho Phim nước ngoài hay nhất và Quay phim xuất sắc nhất. Tại Liên hoan phim Cannes năm 1993, Trương Quốc Vinh đã được một thành viên ban giám khảo bầu cho cả hai hạng mục Nam diễn viên xuất sắc nhất và Nữ diễn viên xuất sắc nhất.

 

Đây là điều chưa từng có trong lịch sử liên hoan phim danh giá này! Năm 2005, tại liên hoan phim Hồng Kông, Bá Vương biệt Cơ được bình chọn là phim Trung Quốc được yêu thích nhất mọi thời đại. Tạp chí Time số đặc biệt kết thúc thế kỷ XX, đã chọn Bá Vương biệt Cơ vào danh sách 100 phim hay nhất mọi thời đại.

 

Phim đã mượn vở kinh kịch Bá Vương biệt Cơ để kể câu chuyện tình của hai nam nghệ sĩ kinh kịch nổi tiếng. Một người là Đoàn Tiểu Lâu chuyên đóng vai Hạng Vũ, người kia là Trình Điệp Y, giả nữ để vào vai Ngu Cơ.

 

Họ gắn bó với vai diễn của mình suốt đời và ở mức độ nào đó, điều này cũng có nghĩa đôi bạn diễn này đã kết hôn với nhau. Bi kịch xảy ra khi Trình Điệp Y không thể phân biệt được đâu là ranh giới giữa sân khấu với cuộc đời, luôn một lòng một dạ với vị quân vương của mình.

 

 


Một Trương Quốc Vinh trong những giấc mộng

 

Nói về cố nghệ sĩ Trương Quốc Vinh, người đã bất ngờ kết liễu đời mình vào ngày 1 tháng 4 năm 2003 để sự ra đi của anh đối với hàng triệu người hâm mộ chỉ như một lời nói dối, đạo diễn Trần Khải Ca đã nói: “Tôi luôn nghĩ Trương Quốc Vinh thuộc về thời đã qua.

 

Đó là vì anh có một đôi mắt chỉ có thể thấy trong những giấc mơ phù hoa về quá khứ của chúng ta”. Thời điểm ấy, Trương Quốc Vinh chưa chết, nhưng rõ ràng khi xem “Bá Vương Biệt Cơ”, người xem hoàn toàn có thể chết chìm trong đôi mắt biết nói của anh, một đôi mắt mơ màng, kiêu bạt trong những giấc mơ đẹp đẽ nhất của quá khứ.

 


Vào vai một nghệ sĩ Kinh Kịch nổi tiếng Trung Hoa Trình Điệp Y, Trương Quốc Vinh đã nhập vào mình 3 tâm hồn. Một là của người phụ nữ luôn đau khổ và dằn vặt với tình yêu đơn phương dành cho bạn diễn từ thuở hàn vi Tiểu Lâu, một là của người đàn ông mãi sau cùng khi cận kề cái chết mới tỉnh giấc mộng với câu thoại trích ra từ vở kịch “Bá Vương Biệt Cơ”: “Bản chất ta là nữ, không phải là nam” và một tâm hồn còn lại là của nàng Ngu Cơ – vai diễn mà Điệp Y đã gắn bó suốt cuộc đời.

 


Nàng Ngu Cơ mà Điệp Y đóng được Viên đại nhân miêu tả là: “Một nụ cười đem đến cả mùa xuân. Một giọt lệ làm đen tối đất trời…Chỉ có nàng, chỉ có nàng mới có vẻ đẹp nhường ấy”. Bước đi nhỏ nhẹ, khoan thai, cái liếc nhìn đầy tình, khuôn miệng trái tim đầy đặn và gương mặt sáng như một vầng trăng, đó là hình ảnh nam tài tử điển trai Trương Quốc Vinh trong phim khi anh quá nhập tâm với vai diễn Ngu Cơ.

 

 

 


Vẻ đẹp ám ảnh của những nỗi đau

 

Khi còn nhỏ, Điệp Y tên là Đức Trí, bị mẹ bỏ lại ở một gánh hát sau khi đã dùng dao chặt đứt một ngón tay thừa của con mình. “Mẹ à, tay con lạnh quá…”, Đức Trí thốt lên như thế, rồi vẫn im bặt ngay cả sau khi bị mẹ bịt kín mắt để chặt ngón tay.

 

Chỉ khi nhìn thấy một bàn tay đầy máu, cậu bé mới hét lên. Tiếng thét xé lòng ấy là nỗi đắng cay của một người mẹ nhầm lẫn trong nhận thức bởi một nhân cách mục ruỗng và tội lỗi.Không cần nhiều thoại, không cần miêu tả sâu với những góc quay cận mặt nhân vật, nhưng những phân cảnh đau lòng ấy mà cậu bé Đức Trí phải trải qua đã lấy nước mắt của hàng triệu khán giả.

 


Rồi khi Đức Trí lớn lên đôi chút, cậu bé đã luôn bị ép phải vào vai một nhân vật nữ - là Ngu Cơ. Một trong những cảnh quay ám ảnh tôi nhất bộ phim là khi Đức Trí tiếp tục hát sai lời trong vở kịch “Bản chất ta là nam, không phải là nữ” (thay vì “bản chất ta là nữ, không phải là nam”).

 

Người bạn tri kỷ của cậu, chính là Tiểu Lâu hồi bé đã lấy một miếng sắt dài thúc liên tục vào mồm Đức Trí và chửi rủa: “Mày lại hát sai lời, mày lại phá hoại công sức của tất cả”. Máu từ miệng cậu bé chảy ra dần dần. Đức Trí đã không thể khóc được nữa và đó là lúc, lần đầu tiên trong đời có lẽ cậu đã chấp nhận thân kiếp của một cậu bé đồng tính và hát lại “Bản chất ta là nữ, không phải là nam”.

 


Nét mặt thẫn thờ của Đức Trí trong nửa đầu bộ phim, đặc biệt là sau khi cậu bé bị Trương Công Công làm nhục. Nhưng không cố gắng đào sâu vào nỗi đau mà nhân vật Điệp Y đã phải trải qua từ bé tới khi chết. Bởi trên hết, mọi chi tiết nhỏ nhặt nhất, như những nỗi đau ấy đều được Trần Khải Ca thể hiện xuất sắc, mang vẻ đẹp nội tâm tuyệt vời của các nhân vật.

 

Dù ở bất kỳ thời điểm, giai đoạn nào thì “Bá Vương Biệt Cơ” vẫn xứng đáng là một trong những bộ phim châu Á có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới. Người ta bàn nhiều về cốt truyện sinh động, sáng tạo truyền tải được nhiều ý nghĩa của bộ phim.

 

Nhưng vẻ đẹp nghệ thuật từ những cảnh phim mới là nguyên tố quan trọng tạo nên thành công của “Bá Vương Biệt Cơ”. Bởi điện ảnh không phải để hiểu. Điện ảnh là để nhìn và cảm nhận.

 

 

 

TRAILER

 

-
Bạn chưa chọn thiết bị/film nào
0 GB
Hỗ trợ trực tuyến Facebook Messenger Facebook Messenger
(+84)286 680 54 58